Theo báo cáo ngành thép 10 tháng của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường thép Việt Nam 10 tháng vẫn duy trì tích cực với sản lượng tiêu thụ tăng 28% so với năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ nội địa tăng 27% và xuất khẩu tăng 33%.
Đối với thép xây dựng, 10 tháng tiêu thụ thép xây dựng tăng trưởng 14% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, trong tháng 10, sản lượng sản xuất thép xây dựng của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đạt mức kỷ lục 250.000 tấn.
Thị phần của thép xây dựng tập trung chủ yếu vào các “ông lớn” như Hòa Phát, Pomina, Formosa, Posco và các doanh nghiệp liên quan với VNSteel như VinaKyoei, TISCO.
Tôn mạ là ngành có sản lượng sản xuất đứng thứ hai sau thép xây dựng. Khác với thép xây dựng, khoảng 40% – 50% sản lượng tôn mạ dùng để xuất khẩu khi mà các ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam còn khá non kém (tôn mạ là đầu vào các ngành này).
Dù chủ nghĩa bảo hộ đang bao trùm thương mại thế giới nhưng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ vẫn ghi nhận sự tăng trưởng 10% sau 10 tháng trong khi nhu cầu trong nước tăng 9%.
Tại phân khúc thép ống, ngoại trừ Hòa Phát và Hoa Sen (Mã: HSG) giữ vị trí vượt trội về thị phần, thì các đối thủ nhỏ hơn giữ thị phần tương đối đồng đều. Tổng sản lượng tiêu thụ của phân khúc sản phẩm này cũng khá thấp nếu so sánh với thép xây dựng và tôn mạ, chỉ khoảng xung quanh 200 nghìn tấn/tháng.
Về diễn biến thép cuộn cán nóng, VDSC cho biết, với việc nhà máy Formosa được đưa vào vận hành sản xuất từ năm ngoái, Việt Nam đã chính thức có được nguồn cung nội địa thép cuộn cán nóng (HRC) – sản phẩm cuối cùng của chuỗi giá trị ngành thép Việt Nam hiện còn đang thiếu.
Sắp tới khi nhà máy thép Dung Quất của Hòa Phát đi vào hoạt động, nguồn cung của HRC được dự báo sẽ dồi dào hơn cho các doanh nghiệp tôn mạ trong nước, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều này sẽ giúp tăng sức cạnh tranh các doanh nghiệp nội địa và quan trọng hơn là tránh được các loại thuế chống lẩn tránh của các quốc gia đang áp lên sản phẩm tôn mạ của Việt Nam.
Theo VDSC, tỷ trọng xuất khẩu HRC là không đáng kể do nhu cầu nội địa từ các công ty tôn mạ là rất lớn trong khi khâu sản xuất thép cán nguội (CRC) đã được tự chủ phần lớn nên tỷ trọng xuất khẩu cao hơn nhiều và đây là một trong những mặt hàng bị tập trung đánh thuế lẩn tránh do giá trị gia tăng từ HRC là không cao
.